Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Cải thiện chất lượng đánh giá tác động môi trường

Theo một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư của Mỹ tại Hà Nội, các quy định mới với nhà cung cấp dịch vụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có thể sẽ buộc các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường kém chất lượng buộc phải dừng hoạt động. Trong khi đó lại giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ đánh giá tác động môi trường từ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm hơn.
Theo chuyên gia phân tích thì “Do thiếu các quy chuẩn, điều kiện hoạt động cho các dịch vụ này nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa muốn đầu tư vào lĩnh vực này, dù Việt Nam đã mở cửa cho thị trường này”.
Một đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thị trường ĐTM rộng lớn hơn sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và tiếp cận được thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ này hơn và với chất lượng cao hơn.
“Để đảm bảo các báo cáo ĐTM có thể đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan chức năng, các tổ chức và doanh nghiệp thường phải làm các báo cáo này với chi phí khá cao. Mà trong khi đó, các báo cáo này lại thường có chất lượng khá thấp và không có giá trị thực sự, vì những người làm báo cáo lại không có nhiều năng lực chuyên môn”, vị đại diện này phát biểu.
Cũng bình luận về các quy định mới này, ông Ryuji Tomisaka, chuyên gia cao cấp về chính sách môi trường của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ở Nhật Bản cũng như ở nhiều quốc gia phát triển khác, các doanh nghiệp thường thuê các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường cho họ, vì các tổ chức này có kiến thức chuyên sâu, có kỹ thuật và các trang, thiết bị hiện đại.
“Chúng tôi đánh giá cao Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã làm rõ các quy định và điều kiện cho các tổ chức thực hiện dịch vụ tư vấn lập báo báo đánh giá tác độngmôi trường. Bởi vì việc lập báo cáo này đòi hỏi các hoạt động nghiên cứu đa diện như: quan sát, phân tích, dự báo (gồm cả mô phỏng) cho nên kiến thức và năng lực chuyên môn rất đáng quan tâm, cần thiết để tạo ra một báo cáo đánh giá tác động môi trường hiệu quả và có tính khoa học”, ông Ryuji Tomisaka nói và cho biết thêm, các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ cải thiện khuôn khổ thể chế cho Việt Nam trong việc mở cửa hơn nữa dịch vụ môi trường. Điều này là một trong các yếu tố chính giúp Việt Nam phát triển  lâu dài và càng bền vững.
“Về phương diện này, chúng tôi hy vọng, kiến thức chuyên môn của Nhật Bản trong việc cân bằng bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế sẽ đóng góp vào phát triển bền vững hơn nữa của Việt Nam,” ông Ryuji Tomisake nói.
Tuy nhiên, vị đại diện của UNDP lại cho rằng, điều quan trọng nhất đối với một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường không chỉ là chất lượng, mà còn là việc báo cáo này được kiểm tra, thẩm định và giám sát trước, trong và sau khi dự án đi vào hoạt động.
“Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn không quy định việc báo cáo này sẽ được thực hiện và giám sát như thế nào”, vị đại diện này nhận xét và đề nghị, nhằm thực hiện và giám sát hiệu quả đánh giá tác động môi trường, Dự thảo Luật cần đẩy mạnh vai trò giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đối với việc tuân thủ đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp.
“Nếu như các cơ quan này không thể làm được việc này, thì họ phải thuê các tổ chức giám sát môi trường độc lập nhằm giám sát các dự án có đánh giá tác động môi trường. Tôi thấy rằng, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nên có quy định cho phép các cơ quan chức năng thuê các tổ chức này để giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Nhà nước cũng nên có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các cơ quan này trong việc thuê các tổ chức giám sát này”, vị đại diện này đề xuất thêm.
Cũng theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước chủ dự án và trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại cho rằng, quy định trên là “không phù hợp với bản chất của hoạt động tư vấn”, bởi vì về nguyên tắc, tổ chức tư vấn chỉ chịu trách nhiệm với chủ đầu tư là người có quan hệ hợp đồng tư vấn với mình về các cam kết theo hợp đồng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường do tổ chức tư vấn lập chỉ có tính chất tham khảo. Do vậy, tổ chức tư vấn không chịu trách nhiệm chung trước pháp luật về các thông tin trong báo cáo đánh giá tác động của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét