Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Xử lý cơ sở không có báo cáo đánh giá tác động môi trường

Bài viết trình bày một trong những nội dung trong Nghị định sửa đổi vừa được ban hành để xử vi phạm đối với các cơ sở không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường
Theo đó, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (cơ sở) đến ngày 5/6/2011 đã đi vào hoạt động nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, giấy đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường thì, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, trước ngày 31/12/2014 phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm sau. 
Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức chủ doanh nghiệp phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 29/2011/NĐ-CP gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2011/NĐ-CP để thẩm định, phê duyệt.
Thứ hai là lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Điều 29 Nghị định 29/2011/NĐ-CP gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 Nghị định 29/2011/NĐ-CP để đăng ký.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP thì khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến ngày Nghị định 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực (5/6/2011) nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, giấy đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt hoặc giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, trong thời hạn không quá 2 năm, kể từ ngày 5/6/2011 phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả trên.
Như vậy, so với Nghị định số 29/2011/NĐ-CP thì Nghị định 35/2014/NĐ-CP mới ban hành quy định kéo dài thời gian cho các cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Nghị định 35/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2014.

Hướng dẫn các bước và thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường


1. Trình tự thực hiện 
a) Chủ dự án nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường; 
b) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận và chuyển hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường; 
c) Sở Tài nguyên và Môi trường: 
Trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đạt yêu cầu để thẩm định trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc có văn bản gửi Chủ dự án nêu rõ lý do để chủ dự án bổ sung hoàn chỉnh. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ và đáp ứng yêu cầu, thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có kết quả của Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hành văn bản thông báo cho chủ dự án biết về kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ. 
d) Chủ dự án: Hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký tên vào góc trái phía dưới của từng trang của một (1) bản báo cáo hoàn chỉnh, nhân bản và đóng thành quyển gáy cứng với số lượng tối thiểu là 03 bản, kèm theo 01 bản được ghi trên đĩa CD gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo văn bản giải trình cụ thể về việc hoàn chỉnh này để được xem xét, phê duyệt. Hồ sơ được gửi tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. 
đ) Chủ dự án phải thực hiện lập lại hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo quy định trong các trường hợp sau: 
- Hội đồng thẩm định không thông qua hồ sơ; 
- Kéo dài thời gian hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hồ sơ quá 24 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu hoàn chỉnh báo cáo của Hội đồng thẩm định. 
Trường hợp không có sự thay đổi về công suất thiết kế, công nghệ và môi trường xung quanh thì không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung nhưng phải có văn bản giải trình với cơ quan phê duyệt. 
- Trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu có một trong những thay đổi cơ bản về công nghệ sản xuất, công suất hoặc địa điểm thực hiện dự án. 
e) Sở Tài nguyên và Môi trường: xem xét trình phê duyệt báo cáo. Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh sau khi phê duyệt chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trả kết quả. 
g) Chủ dự án: Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Thành phần và số lượng hồ sơ
a) 01 (một) văn bản của chủ dự án đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo mẫu tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá môi trường và cam kết bảo vệ môi trường).
 b) 12 (mười hai) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được đóng thành quyển theo đúng cấu trúc và đáp ứng những yêu cầu về nội dung quy định tại (Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT), có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa của từng bản báo cáo (Trong đó, 07 bản cho Hội đồng thẩm định và 05 bản cho các đại biểu Quy định tại điều 20 của Thông tư số 13/2009/TT-BTNMT ngày 18 tháng 8 năm 2009 Quy định về tổ chức và hoạt dộng của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác dộng môi trường chiến lược, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường). Trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định cần nhiều hơn 07 (bảy) người, hoặc trong trường hợp cần thiết khác do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định.
c) 01 (một) bản dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư của dự án.

3. Thời gian thẩm định tối đa là 30 (ba mươi) ngày.

4. Phí, lệ phí: 5.000.000 đồng/ 1 hồ sơ (Theo Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 04 năm 2013)

Cập nhật nghị định mới về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Các yêu cầu về báo cáo đánh giá tác động môi trường từ năm 2005 đã được lồng ghép vào quy định luật, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường ban hành ngày 29/11/2005, tiếp sau đó là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và sau là Nghị định 21/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 80/2006/NĐ-CP. 

Và nghị định gần đây nhất là Nghị định 29/2011/NĐ-CP về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. 


Ngoài việc thay đổi số lượng dự án cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (từ 162 dự án theo Nghị định 21/2008/NĐ-CP giảm xuống còn 146 dự án), Nghị định 29/2011/NĐ-CP tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về đối tượng và trách nhiệm của chủ dự án trong việc lập báo cáo đánh giá tác động; thời điểm, quy trình thẩm định và phê duyệt; nội dung báo cáo, nội dung cam kết bảo vệ môi trường; chế độ tài chính cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược. 
Theo đó, tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm trở lên sẽ phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) chi tiết hoặc rút gọn dưới hình thức lồng ghép trong báo cáo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hoặc báo cáo riêng. Đối với kế hoạch 5 năm được xây dựng phù hợp với quy hoạch của ngành, lĩnh vực đã được thẩm định báo cáo ĐMC thì không bắt buộc thực hiện ĐMC. 
Nghị định cũng đồng thời quy định cụ thể danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó có nhóm các dự án về xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; về giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử, viễn thông; một số dự án liên quan đến thủy lợi, sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; dầu khí; xử lý nước thải… 

Trong quá trình lập báo cáo ĐTM, chủ dự án (trừ dự án đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định được cụ thể trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã; dự án đầu tư có yếu tố bí mật quốc gia) phải tổ chức tham vấn ý kiến của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án và đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. 
Với các dự án đầu tư có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định tại danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM thì phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất cũng phải cam kết bảo vệ môi trường. Nội dung bản cam kết phải nêu rõ các loại chất thải phát sinh kèm biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải… 
Chủ dự án có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện lập báo cáo ĐTM cho dự án đầu tư của mình. Báo cáo ĐTM phải liệt kê, mô tả chi tiết các hoạt động, hạng mục công trình của dự án có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục công trình và của cả dự án. Đồng thời, đánh giá chung về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án và vùng kế cận; mức độ nhạy cảm của môi trường; đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến các điều kiện tự nhiên, thành phần môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng và các yếu tố kinh tế – xã hội có liên quan…
Trong trường hợp thay đổi địa điểm, quy mô, công suất, công nghệ… thực hiện dự án hoặc không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 36 tháng kể từ thời điểm ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo ĐTM bắt buộc phải được làm lại. 
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 6 năm 2011 và thay thế các quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Công tác bảo vệ môi trường các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Nhằm bảo vệ môi trường ngành du lịch, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong các hoạt động du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh.
Nhằm dễ dàng trong việc đánh giá, dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và làm sạch môi trường tại các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, Chợ Lách và thành phố Bến Tre; Ủy ban nhân dân xã Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, huyện Châu Thành; Ủy ban nhân dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách; Ủy ban nhân dân xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và hoạt động du lịch tại 10 cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. 
Tổng hợp trong 10 cơ sở gồm có: 01 cơ sở hoạt động lĩnh vực du lịch nghĩ dưỡng (khách sạn, ăn uống,….); 03 cơ sở hoạt động lĩnh vực ăn uống; 01 cơ sở hoạt động lĩnh vực lữ hành nội địa; 01 cơ sở hoạt động lĩnh vực ăn uống, khách sạn, karaoke, lữ hành nội địa; 01 cơ sở hoạt động lĩnh vực ăn uống, khách sạn, giải trí môtô nước; 02 cơ sở hoạt động lĩnh vực sản xuất kẹo dừa, giải khát; 01 cơ sở hoạt động lĩnh vực thực hiện hợp đồng và giới thiệu tour cho khách du lịch. 
Vì đặc thù của loại hình hoạt động kinh doanh này đón tiếp đón khách du lịch với mức độ thường xuyên, nên công tác xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường của các cơ sở rất tốt, cơ sở thoáng mát, sạch đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân và tôt chức có ý thức bảo vệ môi trường và ý thức tuân thủ các quy định về hoạt động du lịch của các cơ sở chưa cao, và còn khá nhiều hạn chế. 
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thống kê được: Trong 10 cơ sở, có 01 cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và 09 cơ sở thuộc đối tượng lập bản cam kết bảo vệ môi trường. Có 06/10 cơ sở đã đăng ký và được Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành hoặc thành phố Bến Tre cấp giấy xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó, có 01 cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thay thế cho bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận, do quy hoạch diện tích đất của dự án hiện nay là 21 ha, so với diện tích đất của dự án lúc mới thành lập chỉ có 11.490 m2 mà thôi. Có 02/10 cơ sở thực hiện báo cáo chương trình giám sát môi trường định kỳ. 
Có 07/10 cơ sở trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Có 08 cơ sở xây dựng hầm tự hoại để xử lý nước thải, 02 cơ sở thải trực tiếp nước thải ra môi trường.  
Đối với cơ sở phải thực hiện các quy định: có 01/01 cơ sở không đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại và xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường; có 02/02 cơ sở không đăng ký giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 01/01 cơ sở không đăng ký giấy phép khai thác nước ngầm và nước mặt. 
Trong lĩnh vực hoạt động du lịch: Có 05/10 cơ sở chưa rõ ràng niêm yết công khai giá cả hàng hóa, dịch vụ du lịch; có 08/10 cơ sở treo bảng hiệu. Đối với các cơ sở phải thực hiện các quy định đặc thù với loại hình hoạt động thì có: 01/05 cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; có 02/02 cơ sở sử dụng hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hành nghề, chưa đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch và giấy phép kinh doanh rượu, thuốc lá. 
Với thực trạng công tác bảo vệ môi trường và hoạt động du lịch của các cơ sở dịch vụ du lịch như trên, thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hoạt động du lịch của các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ môi trường kiến nghị: Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành phúc tra sau 45 ngày kể từ ngày lập biên bản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các cơ sở không thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra. Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Chủ Dự án phải làm gì sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt?

Qua các lần kiểm tra và thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều Dự án không thực hiện đúng các qui định sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt thành công. Bởi theo qui định tại Điều 14, Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đến khi dự án đi vào vận hành chính thức thì các chủ dự án phải thực hiện các nội dung được nêu như sau: 

Đầu tiên, sau 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thì các chủ dự án phải niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo ĐTM được phê duyệt. Bản tóm tắt chỉ rõ chủng loại, khối lượng các loại chất thải; công nghệ, thiết bị xử lý chất thải; mức độ xử lý theo các thông số đặc trưng của chất thải so với tiêu chuẩn quy định; các biện pháp khác về bảo vệ môi trường. Và đồng thời, các chủ dự án phải có văn bản báo cáo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án về nội dung quyết định phê duyệt ĐTM (phải kèm theo bản sao quyết định phê duyệt). 
Thứ hai, trên cơ sở sơ đồ công nghệ của các công trình xử lý các vấn đề môi trường đề ra trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, chủ dự án phải tiến hành việc thiết kế chi tiết và xây lắp các công trình này theo đúng quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng. Tiếp đó, các chủ dự án gửi văn bản báo cáo cơ quan nhà nước đã phê duyệt báo cáo ĐTM về kế hoạch xây lắp kèm theo hồ sơ thiết kế chi tiết của các công trình xử lý môi trường để theo dõi và kiểm tra. 
Thứ ba, trong quá trình thi công dự án, phải triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường do dự án gây ra và tiến hành quan trắc môi trường theo đúng yêu cầu đặt ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt cũng như những yêu cầu khác nêu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Nếu dự án có những điều chỉnh, thay đổi về các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt phải có báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan đã phê duyệt và chỉ được phép thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan này. 
Cuối cùng, sau khi việc thi công các công trình xử lý nước thải, khí thải... đã hoàn thành và đã được nghiệm thu, phải tiến hành vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường để kiểm tra các thông số về kỹ thuật và môi trường theo thiết kế ban đầu đã đặt ra. Việc vận hành thử nghiệm ĐTM, phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án để bố trí kế hoạch giám sát, kiểm tra. Thứ năm, sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, chủ dự án phải có văn bản báo cáo và đề nghị xác nhận kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường gửi cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để xác nhận. Báo cáo về việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi dự án đi vào vận hành chính thức.
Ảnh: Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Dự án sản xuất thức ăn thủy sản – Khu CN An Hiệp
Ngoài ra, trong suốt quá trình triển khai các hoạt động thi công và vận hành thử nghiệm dự án nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì phải dừng ngay và báo cáo kịp thời ĐTM) biết để kịp thời xử lý. Các chủ dự án phải có trách nhiệm hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án; phải cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan khi được yêu cầu. 
Nếu chủ dự án không thực hiện đầy đủ các nội dung trên, đến khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, phát hiện thì chủ dự án sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức tiền phạt đề nghị thấp nhất là 2.000.000 đồng, cao nhất là 170.000.000 đồng cho mỗi hành vi vi phạm nêu trên.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Cải thiện chất lượng đánh giá tác động môi trường

Theo một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư của Mỹ tại Hà Nội, các quy định mới với nhà cung cấp dịch vụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có thể sẽ buộc các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường kém chất lượng buộc phải dừng hoạt động. Trong khi đó lại giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ đánh giá tác động môi trường từ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm hơn.
Theo chuyên gia phân tích thì “Do thiếu các quy chuẩn, điều kiện hoạt động cho các dịch vụ này nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa muốn đầu tư vào lĩnh vực này, dù Việt Nam đã mở cửa cho thị trường này”.
Một đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thị trường ĐTM rộng lớn hơn sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và tiếp cận được thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ này hơn và với chất lượng cao hơn.
“Để đảm bảo các báo cáo ĐTM có thể đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan chức năng, các tổ chức và doanh nghiệp thường phải làm các báo cáo này với chi phí khá cao. Mà trong khi đó, các báo cáo này lại thường có chất lượng khá thấp và không có giá trị thực sự, vì những người làm báo cáo lại không có nhiều năng lực chuyên môn”, vị đại diện này phát biểu.
Cũng bình luận về các quy định mới này, ông Ryuji Tomisaka, chuyên gia cao cấp về chính sách môi trường của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ở Nhật Bản cũng như ở nhiều quốc gia phát triển khác, các doanh nghiệp thường thuê các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường cho họ, vì các tổ chức này có kiến thức chuyên sâu, có kỹ thuật và các trang, thiết bị hiện đại.
“Chúng tôi đánh giá cao Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã làm rõ các quy định và điều kiện cho các tổ chức thực hiện dịch vụ tư vấn lập báo báo đánh giá tác độngmôi trường. Bởi vì việc lập báo cáo này đòi hỏi các hoạt động nghiên cứu đa diện như: quan sát, phân tích, dự báo (gồm cả mô phỏng) cho nên kiến thức và năng lực chuyên môn rất đáng quan tâm, cần thiết để tạo ra một báo cáo đánh giá tác động môi trường hiệu quả và có tính khoa học”, ông Ryuji Tomisaka nói và cho biết thêm, các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ cải thiện khuôn khổ thể chế cho Việt Nam trong việc mở cửa hơn nữa dịch vụ môi trường. Điều này là một trong các yếu tố chính giúp Việt Nam phát triển  lâu dài và càng bền vững.
“Về phương diện này, chúng tôi hy vọng, kiến thức chuyên môn của Nhật Bản trong việc cân bằng bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế sẽ đóng góp vào phát triển bền vững hơn nữa của Việt Nam,” ông Ryuji Tomisake nói.
Tuy nhiên, vị đại diện của UNDP lại cho rằng, điều quan trọng nhất đối với một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường không chỉ là chất lượng, mà còn là việc báo cáo này được kiểm tra, thẩm định và giám sát trước, trong và sau khi dự án đi vào hoạt động.
“Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn không quy định việc báo cáo này sẽ được thực hiện và giám sát như thế nào”, vị đại diện này nhận xét và đề nghị, nhằm thực hiện và giám sát hiệu quả đánh giá tác động môi trường, Dự thảo Luật cần đẩy mạnh vai trò giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đối với việc tuân thủ đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp.
“Nếu như các cơ quan này không thể làm được việc này, thì họ phải thuê các tổ chức giám sát môi trường độc lập nhằm giám sát các dự án có đánh giá tác động môi trường. Tôi thấy rằng, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nên có quy định cho phép các cơ quan chức năng thuê các tổ chức này để giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Nhà nước cũng nên có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các cơ quan này trong việc thuê các tổ chức giám sát này”, vị đại diện này đề xuất thêm.
Cũng theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước chủ dự án và trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại cho rằng, quy định trên là “không phù hợp với bản chất của hoạt động tư vấn”, bởi vì về nguyên tắc, tổ chức tư vấn chỉ chịu trách nhiệm với chủ đầu tư là người có quan hệ hợp đồng tư vấn với mình về các cam kết theo hợp đồng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường do tổ chức tư vấn lập chỉ có tính chất tham khảo. Do vậy, tổ chức tư vấn không chịu trách nhiệm chung trước pháp luật về các thông tin trong báo cáo đánh giá tác động của mình.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu dự án chậm triển khai 24 tháng

Chiều nay, 23/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. 

Về Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được thông qua, luật gồm 20 chương, 170 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. 

Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Đáng chú ý, luật quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường; Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Theo luật, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược gồm: Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường; Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 2 tỉnh trở lên… 
Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng, kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. 



Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, luật quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc đã qua sử dụng để phá dỡ; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch; thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm; thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. 
Riêng việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. 

Cũng theo luật, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm. 

* Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung sửa đổi như trong tờ trình của Chính phủ. Về miễn, giảm án thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thu hẹp hơn nữa phạm vi đối tượng, theo đó, không nên quy định trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống và không xác định được tài sản của người phải thi hành án cũng thuộc diện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Quy định này sẽ hạn chế việc lợi dụng chính sách miễn, giảm để chây ỳ, che giấu tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. 

Liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án nhân dân (TAND), các đại biểu cho rằng, việc bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án dân sự và TAND. Tuy nhiên, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết của TAND đối với tài sản trong quá trình thi hành án phải bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc chung theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật liên quan. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ hơn nữa các nội dung này để bảo đảm tính khả thi, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan (bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại), tránh quy định chung chung hoặc không đúng thẩm quyền, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật.

HNMO

Tổ chức đánh giá tác động môi trường cần đáp ứng các điều kiện gì?

Trong cuộc thảo luận về thủy điện ở tổ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã phát biểu, "Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam là do chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án là quá kém".
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có thể được sử dụng để áp dụng cho dự án kia. Ví dụ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương gần như giống hệt nhau, và chỉ khác số liệu”, ông Vinh nhấn mạnh.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều công ty làm dịch vụ đánh giá tác động môi trường (từ năm 2007), khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng đây là lần đầu tiên, Việt Nam quy định các điều kiện cụ thể cho các tổ chức thực hiện các dịch vụ này.
Theo Điều 17 của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường cần phải đáp ứng một số điều kiện, như cán bộ phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp, có đủ điều kiện kỹ thuật để đo đạc, phân tích và đánh giá môi trường.
Nhằm làm rõ Điều 17 của Dự thảo Luật này, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định rằng: chủ dự án, tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM ngành môi trường hoặc chuyên ngành liên quan đến môi trường và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chỉ hành nghề tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên...
Theo nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới này được xem là khá cao do ở Việt Nam có quá nhiều tổ chức thực hiện tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường rất yếu về năng lực, dẫn đến chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án đầu tư không đảm bảo.
Bên cạnh đó, các tổ chức này còn phải có cơ sở vật chất - kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng để đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích các mẫu về môi trường, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.

Từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét như sau: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): “Việc quy định về chứng chỉ hành nghề tư vấn đánh giá tác động môi trường nhằm tăng tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cá nhân, tổ chức của những người tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Mặt khác, quy định còn giúp nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường và nâng cao nhận thức chung về môi trường”.

Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi đầu tư vào Khu công nghiệp?

Hỏi: 

Công ty chúng tôi có ý định đầu tư vào khu công nghiệp, theo quy định tại Thông tư 490/1998/TT-BKHCNMT của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ngày 29/4/1998, nếu đã đầu tư vào khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì chúng tôi có phải trình duyệt báo cáo ĐTM cho dự án của chúng tôi hay không? Nếu có, chúng tôi phải trình lên cơ quan nào để được thẩm định, phê duyệt? 

Trả lời: 

Hiện nay, các quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định báo cáo ĐTM trong Thông tư 490/1998/TT-BKHCNMT đã hết hiệu lực. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 có những quy đinh mới về vấn đề Công ty hỏi ở trên. Theo đó, tuỳ thuộc đặc điểm từng dự án, chủ đầu tư có thể phải lập ĐTM chiến lược, báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. 

Dự án phải lập báo cáo ĐTM chiến lược là các dự án: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vùng; quy hoạch sử dụng đất; bảo vệ và phát triển rừng; khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh. 

Dự án phải lập báo cáo ĐTM là các dự án: công trình quan trọng quốc gia; dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề; dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung; dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn; dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường. Các đơn vị, cá nhân là chủ đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực nêu trên đều phải lập báo cáo ĐTM chiến lược hoặc báo cáo ĐTM cho dự án (có thể thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐTM). Báo cáo ĐTM chiến lược là một nội dung của dự án và phải các báo cáo này phải lập đồng thời với quá trình lập dự án; báo cáo ĐTM cũng phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Báo cáo ĐTM chiến lược và báo cáo ĐTM đều phải thông qua Hội đồng thẩm định, đối với báo cáo ĐTM thì có thể được thẩm định thông qua tổ chức dịch vụ thẩm định được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn. 
Đối với hai loại báo cáo trên, thẩm quyền tổ chức Hội đồng thẩm định như sau: 

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định đối với dự án do Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết đinh, phê duyệt; dự án liên ngành, liên tỉnh phải lập báo cáo ĐTM) 

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức Hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh phải lập báo cáo ĐTM. 

- UBND cấp tỉnh tổ chức Hội đồng thẩm định đối với dự án trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết đinh, phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp. 

Cơ quan tổ chức Hội đồng thẩm định có thẩm quyền xem xét, phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi đã được thẩm định. 

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

TP.HCM: Người dân khổ sở vì ‘bọt lạ’ tấn công môi trường sống

‘Bọt lạ’ trắng xóa, trồi lên từ miệng cống từ nhiều năm nay, người dân liên tục phản ánh đến ngao ngán, còn chính quyền địa phương thì vẫn không giải quyết.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin kêu cứu của những người dân hiện đang sống tại khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, Q.9, TP.HCM phản ánh việc môi trường sống của người dân bị ô nhiễm đã hàng chục năm nay, nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.
Để tìm hiểu chính xác về tình trạng ô nhiễm đang xảy ra nơi đây, phóng viên đã trực tiếp có mặt tại khu dân cư đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu tình trạng ô nhiễm này.
Chuyển về địa phương này sống đã được hơn 30 năm, nhưng cũng chừng ấy năm, bà Võ Thị Đào (đường Trương Văn Hải, phường Tăng Nhơn Phú B – Q.9, TP.HCM) và gia đình phải sống trong tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng.
“Trước đây, nước sinh hoạt ở khu vực này rất trong, nhưng từ ngày Công ty CP Hóa chất Vi sinh  - Xí nghiệp Hương Việt chuyển về phường Hiệp Phú hoạt động, nguồn nước ở đây biến đổi hẳn” – bà Đào bức xúc nói.
Tại nhà bà Đào, nước bơm lên từ giếng nổi ‘bọt lạ’ trắng xóa. Cứ mỗi khi mưa xuống là ‘bọt lạ’ này lại trồi lên từ các nắp cống, kéo theo mùi hôi thối nồng nặc.
                                Nước giếng bơm lên nổi đầy 'bọt lạ' trắng xóa.
Nhà bà Đào có 5 thành viên, nhưng hết 4 thành viên là bị viêm xoang và ho. Dù không dám chắc chắn rằng nguyên nhân bệnh tật là do mùi hôi thối, hay ‘bọt lạ’ tấn công vào khu dân cư, nhưng cuộc sống của gia đình bà bỗng trở nên khó khăn.
Để đối phó, cách duy nhất mà người dân tại đây đã làm là đóng hết các cửa nhà lại, chờ ‘bọt lạ’ tan hết trong không khí, rồi mới dám mở cửa ra.
Công ty CP Hóa chất Vi Sinh – Xí nghiệp Hương Việt nằm trên địa bàn phường Hiệp Phú – Q.9, nhưng khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất lại nằm tại phường Tăng Nhơn Phú B, Q.9, bởi lẽ đây là hai khu vực sát, giáp ranh với nhau.
Không chỉ riêng nhà bà Đào, mà hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở khu vực nói trên đều phải chịu đựng mùi hôi, ‘bọt lạ’ thải ra từ trạm xử lý nước thải của Xí nghiệp Hương Việt.
Người dân băn khoăn 'Bọt lạ' trắng xóa trồi lên từ các nắp miệng cống có ảnh hướng tới sức khỏe hay không?
Theo anh Trần Công Viên (đường Trương Văn Hải, phường Tăng Nhơn Phú B, Q.9, TP.HCM), từ ngày môi trường sống của người dân trở nên xấu hơn, bữa ăn và giấc ngủ của các thành viên trong gia đình anh Viên cũng vì thế mà trở nên lộn xộn hơn, do mùi hôi thối quá nồng nặc.
Trước tình trạng đó, để hạn chế tình trạng ô nhiễm, người dân tại nơi này chỉ còn biết dùng những tấm kim loại bịt kín các nắp cống lại để đối phó, nhưng được một thời gian, những tấm kim loại ấy cũng bị gỉ sét, và ‘bọt lạ’ lại tiếp tục tấn công vào khu dân cư như bình thường.
Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài từ rất lâu, thậm chí kéo dài đã hàng chục năm nay, người dân đã hàng chục lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Để đối phó, người dân phải dùng một tấm kim loại bằng sắt để che miệng cống cho khỏi ô nhiễm.
Công ty CP Hóa chất Vi Sinh – Xí nghiệp Hương Việt là đơn vị chuyên sản xuất, gia công sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thành lập năm 1982. Ban đầu, xí nghiệp này có tên là Trung tâm nghiên cứu Việt Hương, xong năm 1992 được đổi thành Xí nghiệp Hương Việt.
Để tìm hiểu về những biện pháp của chính quyền địa phương để giải quyết việc ô nhiễm này cho người dân, PV đã có mặt tại UBND phường Hiệp Phú – Q.9 chiều ngày 23/9 để gặp những người có trách nhiệm.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Hiệp Phú, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – cán bộ môi trường xác nhận: Xí nghiệp Hương Việt vi phạm về mức đô gây ô nhiễm môi trường sống là có thật, và đã từng bị xử phạt rất nhiều lần.
Nói về công tác xử phạt những đơn vị gây ô nhiễm, bà Hằng cho rằng, việc xử phạt là rất khó. Bởi lẽ, luật quy định chỉ cho phép cấp độ phường phạt tối đa là 5 triệu đồng, “chẳng thấm tháp vào đâu so với việc vi phạm của các đơn vị”.
Bà Hằng hứa sẽ trích lục thông tin những vi phạm về môi trường của Xí nghiệp Hương Việt trong thời gian sớm nhất, và sẽ có thông tin cụ thể tới PV trong thời gian sắp tới.

"Hãy hành động vì môi trường không rác"

"Hãy hành động vì môi trường không rác" là chủ đề hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Bộ TN&MT phát động tại Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Chiến dịch năm 2014 được tổ chức vào sáng 24/9 tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu phát động Chiến dịch

Tham dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Hugh Borrowman cùng đông đảo cán bộ, học sinh, sinh viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
 
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, năm 2014, Bộ TN&MT đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch năm 2014 là “Hãy hành động vì một môi trường không rác” nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường đặc biệt là trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải, qua đó nêu cao những hành động của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng và sẽ tác động lan tỏa, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.
 
Theo thống kế, tổn thất do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện lên tới 5,5% GDP, đồng thời mỗi năm thiệt hại 780 triệu USD vào việc phục hồi sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ mang  lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến kêu gọi các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, có những hành động thiết thực, cùng nhau liên kết, tạo nên một sức mạnh to lớn để góp phần bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường, để biến ý thức bảo vệ môi trường thành ý thức tự giác và thể hiện bằng những hành động cụ thể. Lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động, hạn chế tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ bảo vệ môi trường, đồng thời huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường.
 
“Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, là nhiệm vụ của mỗi người; không phải làm điều gì quá lớn lao mà hãy bảo vệ môi trường ngay đầu từ những hành động cụ thể, thiết thực tại nơi sinh sống của chúng ta, và điều này sẽ có tác động lan tỏa đến toàn cầu, góp phần làm cho thế giới của chúng ta ngày càng xanh, sạch hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Nhân dịp này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trao giải Cuộc thi Video - Clip về bảo vệ môi trường cho các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” với mục tiêu tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm, sinh thần sáng tạo của học sinh, sinh viên từ đó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích phổ biến, nhân rộng và tiến tới áp dụng các ý tưởng sáng tạo, độc đáo, mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên môi trưởng biển và đại dương. Cuộc thi đã nhận được 587 tác phẩm tham dự, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 30 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Cũng tại Lễ phát động, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao bằng khen cho 9 tổ chức, 4 cá nhân có thành tích tiêu biểu về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
 
Ngay sau khi kết thúc Lễ phát động, các đại biểu và người dân của thành phố Thái Nguyên cùng ra quân trồng cây xanh và làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường trên địa bàn; ra quân vệ sinh môi trường cấp quận/huyện để hưởng ứng thu gom rác, vớt rác trên kênh, mương thoát nước, nạo vét cống rãnh…
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm.

Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia.

Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994. Đến nay, Chiến dịch đã được các Bộ ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thông qua nhiều hoạt động hiệu quả.
                                                                                                                                                        T.H (tổng hợp )

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Mức xử phạt vi phạm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)


Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai Kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại địa điểm thực hiện dự án và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tham vấn cộng đồng để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo sai sự thật cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường hoặc những điều chỉnh, thay đổi các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đúng một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đầy đủ một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường;

e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường theo quy định;

g) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường);

h) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định;

i) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và g Khoản này;

k) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e và m Khoản này;

l) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không hợp tác với cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch quản lý môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; không cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến dự án khi được yêu cầu;

m) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp các công trình bảo vệ môi trường; không vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án; không nghiệm thu các công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh vùng lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có nội dung đầu tư xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện;

n) Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thi công xây dựng dự án;

o) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi không dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng; không tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; không thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý; báo cáo sai sự thật kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc kết quả đo đạc, phân tích mẫu môi trường của dự án không đúng với thực trạng ô nhiễm của các nguồn thải;

p) Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án theo quy định và gửi cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để được kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức;

q) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức;

r) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung trong Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức.

2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các điểm m, n, o và q Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 12. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường

3. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động của mình gây ra; không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra; không thực hiện chế độ báo cáo và quan trắc môi trường theo quy định;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa trong trường hợp có nước thải sản xuất vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải rắn tại nguồn; để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; không có biện pháp hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và con người;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thiết kế, lắp đặt đường ống, van khóa không đúng quy trình xử lý chất thải;

d) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm các quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2 và Điểm d Khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm tại Điều này;

b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm quy định tại Điều này gây ra.