Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

TÀI NGUYÊN THIỆT HẠI VÌ CẤP GIẤY PHÉP TRÀN LAN

Riêng trong 2 năm gần đây, số giấy phép mà các tỉnh thành cả nước cấp đã lên tới khoảng 4.300 giấy phép, trong khi cho tới nay Bộ TN&MT cấp chưa tới 400 giấy phép… Dẫn chứng từ thực tế, có tỉnh đã cấp tới 200 giấy phép khai thác tài nguyên mà số thu thuế chưa được 4 tỷ đồng/năm.
Thu nhiều, trả ít

Hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu. Đó là vấn đề được đưa ra tranh luận tại Hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng Liên minh Khoáng sản Việt Nam tổ chức mới đây.


>>Xem thêm: dịch vụ tư vấn môi trường 
Việc phân cấp quá mạnh cho địa phương cấp phép các dự án khai thác khoáng sản đã khiến tài nguyên bị thất thoát nhiều

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chỉ ra rằng, chính sách quản lý hiện nay chưa khuyến khích được DN khai thác khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả, tài nguyên bị tận thu, ngân sách thì thất thoát.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) cho rằng, chính việc phân cấp quá mạnh cho địa phương cấp phép các dự án khai thác khoáng sản đã khiến tài nguyên bị thất thoát nhiều, trong khi phần trả lại không được bao nhiêu.

Ông Thuấn dẫn chứng từ thực tế, có tỉnh đã cấp tới 200 giấy phép khai thác tài nguyên mà số thu thuế chưa được 4 tỷ đồng/năm. Cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra liên tục song không thể cải thiện được tình hình. Riêng trong 2 năm gần đây, số giấy phép mà các tỉnh thành cả nước cấp đã lên tới khoảng 4.300 giấy phép, trong khi cho tới nay Bộ TN&MT cấp chưa tới 400 giấy phép…

Khảo sát của VCCI về tình hình hoạt động của các DN khai khoáng cũng cho thấy, thái độ thiếu sòng phẳng của DN làm giàu từ khai thác tài nguyên của đất nước. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói thêm, trách nhiệm đối với người lao động của khối DN này còn kém. Tỷ lệ các DN có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn trong tổng số DN khai khoáng thấp và thấp hơn tỷ lệ các DN có thực hiện các nghĩa vụ này trong tổng số DN nói chung.

Chưa kể, những DN khai khoáng lại là nhóm gây ra tổn hại tới môi trường nhiều nhất. Năm 2013 có tới 32% DN khai khoáng bị phạt do vi phạm các quy định về môi trường, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 19% của các DN nói chung. Trong khi rất nhiều DN vi phạm quy định về môi trường còn chưa bị phát hiện, xử lý. Đã vậy, theo quy định hiện hành các DN khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm hoàn trả môi trường, nhưng rất nhiều DN không thực hiện…

Cần giám sát của cộng đồng

Để khắc phục tình trạng thất thoát tài nguyên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đã đến lúc phải xem xét lại nghiêm túc việc phân cấp giữa trung ương và địa phương. Ông Doanh phân tích, hiện tượng một tỉnh cấp tới 200 giấy phép cho thấy có sự lạm quyền để cắt nhỏ các mỏ ra nhằm cấp quyền khai thác, trong khi năng lực quản lý rất kém.

Do đó, tài nguyên âm thầm bị thất thoát khiến ngân sách hụt thu, không đủ trang trải chi phí hành chính quản lý, chưa nói đến việc bù lại cho xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như bù đắp cho an sinh xã hội.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, để tăng hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng, Luật Khoáng sản năm 2010 đã được sửa theo hướng đổi mới chính sách để buộc các tổ chức, cá nhân phải có đủ điều kiện vốn, công nghệ, kinh nghiệm theo quy định mới được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Điểm này đã loại trừ các DN yếu kém về năng lực tài chính, kinh nghiệm. Trước đây, khi chưa thực hiện việc thu tiền khai thác khoáng sản đã xảy ra tình trạng DN khai thác tràn lan, thì nay DN sẽ phải tính toán kỹ việc khai thác căn cứ trên khả năng thực tế.

Song theo TS. Lê Quang Thuận (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính), để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản thì các biện pháp cần phải chặt chẽ hơn nữa. Hai điểm mấu chốt mà ông Thuận đề xuất là phải có giá tính thuế hợp lý và quản lý sản lượng chặt chẽ hơn. Theo đó, dù thuế suất cao đến mấy nhưng giá tính thuế và quản lý sản lượng khai thác không chặt chẽ thì số thu cũng không thể cao.

Giá tính thuế hiện nay do chính quyền địa phương xác định trên cơ sở tham mưu của các đơn vị liên quan như Sở TN&MT, cục thuế… song vẫn chưa hợp lý. Với cơ chế quản lý thuế theo nguyên tắc giao DN tự khai tự nộp cũng chưa tạo điều kiện để kê khai sản lượng khai thác một cách minh bạch. Trong khi công tác thanh tra của các cơ quan chức năng vẫn rất lỏng lẻo.

Ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cũng lo ngại, quản lý hoạt động tài nguyên có thể xảy ra nguy cơ chính quyền bị DN mua chuộc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có người giám sát, thanh tra thường xuyên.

Để tăng cường hoạt động giám sát này, bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên Liên minh Khoáng sản thúc giục, cần sớm thực thi Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Nguyên tắc hoạt động của EITI là Chính phủ và DN cùng công khai một số thông tin liên quan đến công nghiệp khai thác dưới sự giám sát của một hội đồng gồm các bên liên quan là Chính phủ, DN và cộng đồng.

Nguyên tắc này sẽ thúc đẩy các thảo luận chính sách và qua đó hỗ trợ cải cách chính sách và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Theo nguồn: Moitruong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét